Wednesday, March 26, 2014

Vera Wang thành công nhờ không ngừng tiếp thu học hỏi

Với Wang, tính kỷ luật trong công việc mới có thể đưa bà tới đỉnh thành công.


Nhà sáng lập hãng thời trang áo cưới Vera Wang

Sinh trưởng trong một gia đình khá giả nhưng không phải Vera Wang không từng gặp thất bại. Giấc mơ trở thành vận động viên trượt băng nghệ thuật của cô chưa bao giờ thành hiện thực. Năm 36 tuổi, khi tạp chí thời trang nổi tiếng thế giới Vogue từ chối đề bạt Wang vào vị trí tổng biên tập sau mười sáu năm gắn bó, Wang bỏ việc, quyết định thành lập doanh nghiệp thiết kế riêng. Và hôm nay, thế giới biết đến một nữ chủ tịch kiêm giám đốc điều hành, nhà thiết kế thời trang Vera Wang, người sở hữu nhãn hiệu thời trang áo cưới nổi tiếng nhất trong lịch sử. Vera Wang từng thiết kế áo cưới cho các nhân vật nổi tiếng như Mariah Carey, Jennifer Lopez, Jessica Simpson, Avril Lavigne, Victoria Beckham . . .

Sống với niềm đam mê

Vera Ellen Wang sinh ngày 27/6/1949 tại thành phố New York (Mỹ). Cha mẹ cô đều là con cháu dòng dõi quan lại giàu có ở Trung quốc, sang Mỹ sau Thế chiến thứ II. Wang tốt nghiệp cao đẳng Sarah Lawrence về Lịch sử nghệ thuật.

Những năm tháng cắp sách đến trường, Wang khám phá được niềm đam mê của mình ở môn trượt băng nghệ thuật. Mỗi sáng cô đều thức dậy từ sáu giờ, đến sân băng chăm chỉ luyện tập trước giờ vào lớp học. Sự luyện tập nghiêm túc này được đáp trả khi Vera Wang giành chiến thắng cuộc thi trượt băng toàn khu vực năm 12 tuổi. Dần dần, những áp lực từ phía gia đình và việc học ép buộc Vera Wang phải từ bỏ giấc mơ trở thành vận động viên trượt băng của mình.

Thuở bé, Vera Wang thường theo mẹ đến những buổi trình diễn thời trang sang trọng tại thủ đô Paris (Pháp) và dần dần thời trang trở thành niềm đam mê thứ hai của Wang, sau trượt băng nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp, vận may đã mỉm cười khi Wang được nhận vào làm trợ lý cho Polly Mellen - giám đốc thời trang của tập chỉ Vogue. Rất nhiều cơ hội lớn mở ra cho Wang suốt thời gian làm việc tại Vogue, cô có thể học hỏi được từng chi tiết, từ bên trong lẫn bên ngoài và có được cái nhìn bao quát về ngành công nghiệp thời trang.

Sau hai năm nỗ lực làm việc cật lực Vera Wang trở thành biên tập viên chính thức trẻ tuổi nhất, phụ trách mảng thời trang của tạp chí này. Vera Wang đã gắn bó với Vogue suốt 16 năm trời dù áp lực lẫn thử thách công việc tại đây rất lớn, làm suốt bảy ngày một tuần, từ chín giờ sáng đến ba giờ khuya ngày hôm sau. Năm 1985, không được đề bạt lên vi trí tổng biên tập, Vera Wang thất vọng và rời bỏ công việc biên tập tại Vogue. Không lâu sau, Wang làm giám đốc thiết kế phụ kiện cho hãng Ralph Lauren.

Chính những năm tháng làm việc tại Ralph Lauren đã khơi dậy niềm đam mê thiết kế của Wang khi cô có thể bộc lộ hét tài năng, thể hiện sự sáng tạo và niềm đam mê trên từng chi tiết sản phẩm. Tuy nhiên, Vera Wang nhanh chóng nhận ra rằng dù nỗ lực đến dâu thì cũng chẳng có thành phẩm nào mang tên Vera Wang cả, sẽ chẳng ai công nhận các sản phẩm do Vera Wang thiết kế.

Lập nghiệp

Năm 1987, Vera Wang kết hôn cùng Arthur Becker, một doanh nhân thành đạt. Thời gian chuẩn bị cho đám cưới khiến Vera Wang nảy sinh ra một ý tưởng kinh doanh rất thành công sau này.

Như mọi cô dâu mới, Vera Wang muốn sự xuất hiện của mình trong ngày cưới phải thật đặc biệt và chiếc áo cưới sẽ góp phần quan trọng làm nên sự nổi bật này. Wang đi khắp các cửa hàng áo cưới nhưng chẳng nơi nào khiến cô thật sự hài lòng. "Tôi chỉ muốn mặc một chiếc áo cưới đơn giản, vừa thanh lịch vừa dịu dàng, nhưng chẳng nơi nào có" - Wang nói. Cô bật ra ý tưởng thiết kế và kinh doanh trang phục áo cưới.

Năm 1990, Wang quyết định bước vào lĩnh vực kinh doanh với số vốn bốn triệu USD mượn từ người cha của mình. Cô mở cửa hàng đầu tiên tại Khách sạn Carlyle Hotel (New York) với thương hiệu áo cưới mang tên VERA WANG. Thương hiệu này nhanh chóng được các cô dâu mới biết đến bởi kiểu dáng được thiết kế tao nhã, thanh lịch từ màu sắc đến từng chi tiết. Bên cạnh đó, họ chọn VERA WANG vì những dịch vụ cộng thêm như tư vấn cách trang điểm, đồ trang sức, ý tưởng tổ chức đám cưới, trang trí phòng tân hôn, thiết kế áo cưới theo tính cách cô dâu v.v. . . Một năm sau, Vera Wang phát triển thêm nhiều chi nhánh tại New York, Boston, Beverly Hills, Waikiki, đồng thời mở rộng lĩnh vực kinh doanh nước hoa, nữ trang, giày dép . . . với thương hiệu VERA WANG.

Năm 2002, Vera Wang đầu tư sang thị trường quê nhà Trung Quốc, phát triển chuỗi cửa hàng áo cưới và trang sức pha lê. Chuỗi cửa hàng VERA WANG CHINA nhanh chóng đạt doanh thu kỷ lục vượt qua các cửa hàng ở Mỹ chỉ trong sáu tháng đầu tiên. Tháng 6/2005 Vera Wang đoạt giải "Nữ thiết kế của năm" của Hội đồng nhà thiết kế thời trang Mỹ. Hiện Vera Wang vẫn tiếp tục lèo lái công ty của mình với nhiều định hướng phát triển mới. Từ thành công của bản thân, Vera Wang chia sẻ với các doanh nhân từ những bài học khởi nghiệp sau:

Tình yêu và niềm vinh dự tạo nên thương hiệu.

Vera Wang cho biết: "Thương hiệu phải thể hiện được cá tính của người chủ doanh nghiệp, VERA WANG được tạo nên bởi tình yêu và danh dự của chính tôi. Tôi yêu sản phẩm của mình và truyền tình cảm ấy cho khách hàng của mình, tôi muốn khách hàng nhắc đến VERA WANG như một niềm vinh dự, hãnh diện". Yếu tố này giải thích vì sao những người nổi tiếng thích chọn mặc thương hiệu này vào ngày cưới. VERA WANG không chỉ chinh phục khách hàng bằng kiểu dáng thiết kế thanh lịch, chất lượng cao mà còn ở yếu tố cảm xúc được hình thành trong quá trình cung cấp sản phẩm cho khách hàng.

Nuôi dưỡng niềm đam mê.

"Chính niềm đam mê khiến bạn có thể làm những điều tưởng chừng không thể, thúc đẩy bạn đi ra khỏi giới hạn chật hẹp của mình" Wang chia sẻ quan điểm. Vera Wang cho biết trong những lần thất bại, khi cảm thấy chán nản tất cả, bà đã tự khơi dậy niềm đam mê của chính mình để có thể tiếp tục đi tới thành công.

Mọi việc dù tốt hay xấu đều đáng để học hỏi.

Vera Wang xem đây là quan điểm sống của mình: "Học từ thất bại luôn dễ hơn là học từ thành công vì thành công dễ khiến người ta tự mãn. Tôi không nghĩ mình đã thành công và luôn tự nhắc nhở còn nhiều điều cần phải học".

Học trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình.

Khi quyết định thành 1ập doanh nghiệp, Vera Wang không chọn thời trang nam hay những lĩnh vực ngoài tầm hiểu biết, mà chọn kinh doanh ở lĩnh vực mà bà thông thạo và tường tận nhất. "Điều này tránh cho tôi những rủi ro không đáng có vì thiếu hiểu biết. Tôi luôn cố gắng học hỏi để có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế thời trang" - bà cho biết.

Tinh thần doanh nhân Trung Hoa: Làm việc chăm chỉ

"Người Mỹ thường nghĩ mọi thứ đều có thể nhưng người Trung Quốc quan niệm phải làm việc chăm chỉ mới xứng đáng được hưởng thụ. Đó chính là tinh thần doanh nhân mà tôi được thừa hưởng từ gia đình và cội nguồn của mình" - Wang nói.

Con đường sự nghiệp của Vera Wang cũng chứng tỏ bà là một người rất cầu tiến và cố gắng trong công việc. "Tôi có thể làm mọi thứ, từ việc quét sàn studio cho đến chạy ra ngoài mua yogurt cho các cô người mẫu khi họ yêu cầu" - Wang kể lại quãng thời gian đầu làm trợ lý cho Polly Mellen ở tạp chí Vogue. Dù sinh trưởng trong gia đình giàu có nhưng cha của Vera Wang đã giáo dục bà tinh thần làm việc chăm chỉ, không ỷ lại.

0 comments:

Post a Comment